Trang phục người Nùng An (ảnh internet)
Từ xưa tới nay, cả nam và nữ đều mặc một loại quần cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân và các đường viền chỉ màu tập trung rõ nhất ở tà và gấu áo.Nam giới người Nùng thường mặc áo dài ngang hông, tứ thân, may áo gần sát người, tay áo dài và rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc và thường có 4 túi hoặc 2 túi. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Nùng phong phú và đa đạng hơn.
Phụ nữ Nùng mặc áo năm thân màu chàm, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực, thông thường là vải đen đắp lên áo chàm.
Trang phục người Nùng Dín
Ngày nay, họ mặc cả loại áo 5 thân và 4 thân. Áo ngắn 4 thân có cổ áo tròn, xẻ ngực, nẹp và gấu áo rộng, hai túi nhỏ ở vạt trước, cài 9 hàng cúc vải ở nẹp áo. Loại áo này phần lớn dùng mặc trong nhà, đi lao động hay mặc trong áo dài năm thân. Chỉ riêng nhóm Nùng Dín thì áo ngắn 4 thân lại là loại áo mặc chính, còn loại áo 5 thân may ngắn, chỉ vừa che kín bụng, dùng mặc trong nhà, khi đi ngủ, mặc lót trong loại áo 4 thân khi đi ra khỏi nhà.
Màu sắc trên trang phục dân tộc Nùng cũng khá đa đạng, từ màu xanh nhạt, đến xanh thẫm, tím than, xanh đen rồi phổ biến nhất là màu chàm.
Bên cạnh áo, váy cũng là một bộ phận quan trọng, tạo nên nét đặc sắc của trang phục truyền thống Nùng. Váy của người Nùng phân rõ thành cạp váy, giải buộc váy, thân váy và gấu váy. Nhiều khi họ gọi cạp váy là đầu váy, còn gấu váy là chân váy. Thân váy được ghép lại từ 4 mảnh, gấu váy được đáp thêm vải khác màu, vừa cho gấu váy cứng vừa làm đẹp. Khi mặc, người ta gấp phần váy thừa ra phía trước hoặc phía hông. Khi đi chợ, đi thăm viếng, người ta để gấu váy phủ thấp chấm mắt cá chân, còn khi đi làm thì kéo gập váy lên cao cho tiện và sạch sẽ hơn.
Nghệ thuật may váy của người Nùng đáng chú ý nhất là của tộc người Nùng Dín. Họ có cắt may váy kiểu xoè xếp nếp, váy tạo thành bởi hai lớp vải, lớp ngoài dày và cứng hơn, còn lớp trong thì mỏng và mềm. Váy không khép kín hai mép vải dọc thân váy lại mà để hở khi mặc, mép nọ đè chồng lên mép kia, làm cho người mặc vẫn có cảm giác kín đáo.
Trang phục truyền thống nam, nữ dân tộc Nùng
Kết cấu của váy người Nùng Dín được tạo nên từ cạp váy, đầu váy, thân váy và gấu váy. Cạp váy nối với đầu váy, hai bên tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho thứ dây lưng hay giải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng. Đầu váy thường là mảnh vải khác màu, trắng hay xanh, khâu liền một phía với thân váy, phía kia với cạp váy. Đầu váy có chiều dài khoảng gấp rưỡi vòng bụng, nhưng lại ngắn hơn rất nhiều chiều ngang của vải thân váy. Do vậy, khi khâu lại với nhau, thân váy phải xếp nếp sao cho đều, khi mặc, các nếp xếp gối nhau đều đặn chảy dài theo chân váy. Khi đi làm, để cho gọn ghẽ, dễ cử động, người ta túm một túm vải thân váy ở phía sau, buộc lại tạo thành cục gọi là phàn phái (túi vải), từ đó mới có tên gọi là Nùng U hay Nùng phàn phái.
Bên cạnh đó, dây lưng cũng là một bộ phận quan trọng để hoàn thiện bộ trang phục người Nùng. Loại phụ kiện này có sự khác nhau giữa các nhóm. Nhóm Nùng Dín có dây lưng dệt bằng sợi tơ tằm, trên mặt vải dệt những đường nét hoa văn hình thang song song, hình răng cưa, quả trám, lượn sóng, hình chim cách điệu… Khi mặc, quấn dây lưng quanh bụng, hai đàu dây dắt mối ở hai bên hông. Trong khi đó, dây lưng của phụ nữ Nùng Lòi bằng sợi bông dệt và nhuộm chàm, hai đàu dây thả mối phía sau dài chấm bắp chân. Dây lưng của nhóm Nùng An thì tuyền một màu xanh chàm, còn phụ nữ Nùng Xuồng thì thắt nhiều vòng thắt lưng ra ngoài áo dài, trên đó có dắt dây xà tích bằng đòng hay bạc, nổi rõ trên nền thắt lưng chàm.
Phụ nữ Nùng thường dùng hai loại khăn đội đầu là khăn thường gọi là bẩu qạ và khăn chỉ đội trong khi cưới xin, hội hè thì gọi là bẩu chịp. Ngoài ra, trang phục của phụ nữ Nùng còn phải kể tới tạp dề, xà cạp, đệm vai, giầy vải và một số đồ trang sức làm bằng kim loại đeo trên người. Người Nùng đeo vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, dây chuyền, vòng tai… vừa để cho đẹp, vừa thể hiện quan niện tín ngưỡng các vị thần linh ở núi rừng Tây Bắc thiêng liêng.
Đăng nhận xét