Tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở hiện nay

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đưa văn hóa văn nghệ đến các vùng kinh tế mới, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số và các vùng xa xôi, hẻo lánh”.



Với mục tiêu phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, Nghị quyết Đại hội X của Đảng tiếp tục xác định: Phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng và hoàn thiện nên giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt coi trọng văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh... chống các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thu được những thành tựu khả quan, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Kết quả của các công tác xây dựng gia đình, làng (thôn, ấp, bản, tổ dân phố...) văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, hoạt động tuyên truyền cổ động, sự khởi sắc của phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở... đã tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong nhân dân về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển của đời sống kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển thuận lợi.

Về công tác tuyên truyền cổ động: Cả nước hiện có 665 đội thông tin cổ động, trong đó có 71 đội cấp tỉnh và tương đương, 594 đội cấp huyện và tương đương, với tổng số 4.442 cán bộ (trong biên chế là 2.355 cán bộ và 2.087 cán bộ hợp đồng). Đây chính là thế mạnh cơ bản của hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng và tuyên truyền cổ động trong việc truyền bá và cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chích sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống, tác động mạnh mẽ, rộng rãi đến với mọi người, xứng đáng là công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị của Đảng và chính quyền các cấp, các địa phương và cơ sở.

Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12-1-1998, của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg, ngày 23-3-1998, của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên phạm vi cả nước đã có sự tiến bộ rõ rệt. Nổi bật là trật tự kỷ cương từng bước được thiết lập, nhận thức về luật pháp và ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được nâng lên. Vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa cơ sở được khẳng định rõ rệt.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng; thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Các buổi lễ đón Bằng công nhận Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đã trở thành ngày hội văn hóa, là niềm tự hào và khơi dậy ý thức trách nhiệm xây dựng cộng đồng của nhân dân.

Hiệu quả xã hội rõ nét nhất là, ở những địa phương có phong trào tốt, diện mạo kinh tế - xã hội từng bước được đổi mới. Đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ giàu ngày một tăng lên, số hộ nghèo giảm. Cơ sở vật chất và các thiết chế sinh hoạt văn hóa được kiện toàn. Cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt, không có tệ nạn xã hội. Các giá trị văn hóa cổ truyền được phát huy và có tác dụng động viên nhân dân tham gia tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa - xã hội. Trật tự an ninh, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân sống có kỷ cương, nền nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Nếp sống và làm việc theo pháp luật được hình thành và trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận danh hiệu văn hóa. Vì vậy, danh hiệu gia đình, làng (thôn, ấp, bản, khu phố...) văn hóa thực sự là niềm tự hào của nhân dân.
Với những kết quả xã hội trên cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự gia tăng phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Mặt khác, công tác hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch đã thu được nhiều thành tựu. Thông qua hợp tác quốc tế về văn hóa, việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới được mở rộng, qua đó góp phần nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa cơ sở. Và trong hợp tác, giao lưu văn hóa với các nước, chúng ta đã tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời tranh thủ được nhiều nguồn lực, viện trợ cho sự nghiệp phát triển văn hóa - thông tin.

Song, cũng phải thấy rằng, nhiều tiêu cực đáng lo ngại đã xuất hiện. Đó là sự xâm nhập của các luồng văn hóa phẩm độc hại và hiện tượng lai căng, sùng ngoại trong biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật trong một bộ phận giới trẻ dẫn đến coi thường thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong hoạt động văn hóa như vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Pháp lệnh Quảng cáo, in sao băng đĩa lậu, truyền bá văn hóa phẩm độc hại, hoạt động không lành mạnh núp bóng các hoạt động dịch vụ ka-ra-ô-kê, vũ trường, quán bar, In-tơ-nét công cộng... là vấn đề đáng lo ngại. Các thế lực thù địch bằng mọi thủ đoạn đưa văn hóa phẩm có nội dung phản động nhằm xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các dân tộc nhất là đồng bào các dân tộc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh khó khăn...

Toàn bộ điều đó đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sống lành mạnh của nhân dân, làm xói mòn đạo đức của con người, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và có nguy cơ làm băng hoại bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là khó khăn, thách thức không thể coi thường.

Để văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực của sự phát triển bền vững, ngay từ mỗi cơ sở, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cần tiến hành một số biện pháp trong công tác tổ chức quản lý các hoạt động văn hóa cụ thể sau:

Một là, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, trực tiếp là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí... Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ văn hóa; phối hợp với các ngành chức năng, các lực lượng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức.

Hai là, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hóa, phòng chống một số tệ nạn xã hội ở những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, quán bar, nhà hàng, ka-ra-ô-kê và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gây phản cảm, trái với thuần phong, mỹ tục dân tộc.

Ba là, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở cho cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở; đồng thời tập huấn kỹ năng kinh doanh theo hướng lành mạnh hóa cho chủ các cơ sở kinh doanh những ngành nghề nhạy cảm thuộc lĩnh vực dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và du lịch nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực này.

Bốn là, phải có sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Phát huy vai trò của ngành tham gia tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân, trước hết khắc phục sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Tập hợp và phát huy sức mạnh của mỗi người dân, của từng gia đình, của mỗi cộng đồng dân cư và toàn xã hội, trở thành sức ép dư luận mạnh mẽ lên án những tư tưởng, hành vi sai trái, bài trừ mọi hình thức văn hóa độc hại để xây dựng một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.

Năm là, lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở cần phải được củng cố, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặt khác, quản lý và sử dụng có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, tăng cường xây dựng củng cố các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Sáu là, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các yếu tố không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và thực hiện sự chỉ đạo của Đảng đối với các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Đăng nhận xét