Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương: "Cán bộ nào, phong trào ấy"?

Điều gì đang khiến nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở địa phương rơi vào cảnh chập chờn, nay đỏ mai tắt đèn? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đáng kể nhất là vai trò chỉ đạo và định hướng nghệ thuật của Ban giám đốc đoàn, nhà hát trong việc tìm hướng đi riêng phù hợp trong cơ chế thị trường.


NSƯT Đào Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định cho biết, có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công trong hoạt động của một đoàn nghệ thuật địa phương như Sao Biển, đó là một đoàn có bề dày truyền thống với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thành danh, địa phương có sự đầu tư trọng điểm cho đơn vị… Nhưng yếu tố quan trọng chính là vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật, người đứng đầu đơn vị. Sự thành công do công tác chỉ đạo nghệ thuật đã có một định hướng nghệ thuật phát triển đúng cho đơn vị. Các chương trình của đơn vị không chỉ dừng lại ở tính chất quy mô hoành tráng mà cũng rất linh hoạt tuỳ theo tính chất phục vụ với từng đối tượng khán giả. Điều này Đoàn Kịch Nam Định cũng đã từng rất thành công khi gắn các vở diễn của đoàn với các nhiệm vụ chính trị và các ngành bằng cách khai thác đề tài như hải quan, lâm nghiệp, biển đảo…



Vở “Hưng Đạo Đại Vương” của Nhà hát Chèo Thái Bình, một nhà hát được đánh 
giá cao trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống 

Chính vì vậy có những vở diễn như Rừng cháy, Không thể có thể đạt tới số lượng biểu diễn 200 đến 300 buổi. NSƯT Đào Quang nhấn mạnh rằng hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật địa phương đang có chiều hướng đi xuống, đánh mất tính chuyên nghiệp, nguyên nhân là do người chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị đó không có nghề, không biết chắt lọc những quan điểm nghệ thuật để có thể định hướng nghệ thuật cho đơn vị từ cách khai thác kịch bản cho tới thị trường biểu diễn.

Nhiều ý kiến cho rằng thực tếcó không ít đơn vị bỏ tiền đầu tư dàn dựng rất lớn, mời đội ngũ cộng tác vở đều là những tên tuổi, thế nhưng vở diễn vẫn cứ thất bại bởi cách lựa chọn kịch bản không phù hợp với nhu cầu của khán giả hay không biết cách khai thác thị trường biểu diễn cho đơn vị. NSND Lương Duyên, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nam nói rằng, mặc dù lực lượng tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, hoạ sĩ ở địa phương có, tuy nhiên “bụt chùa nhà không thiêng” nên Ban giám đốc của một số đơn vị chỉ nhăm nhăm mời ê kíp sáng tạo ở Trung ương hoặc địa phương khác về dàn dựng.

Nhà hát Chèo Hà Nam hiện nay đang gặp phải đó chính là sự thiếu hụt những tài năng để đứng các vai chính trên sàn diễn. Có thể có manh nha có diễn viên trẻ có năng khiếu về đoàn được một, hai năm đã được cử đi thi tài năng trẻ, hát một chút, diễn một chút là cũng có thể có giải mang về. Sự tự mãn, tự hài lòng của cá nhân, cộng thêm sự không chăm chút của Ban lãnh đạo đơn vị đã dẫn tới những triển vọng đó dần bị thui chột đi.

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ, muốn có được số lượng biểu diễn nhiều, doanh thu cao, tác phẩm chất lượng… có lẽ phải kể tới yếu tố đầu tiên là con người. Một người lãnh đạo tài giỏi nhưng không có tâm huyết với nghề, với đơn vị thì sẽ khó mà xây dựng được thương hiệu cho đơn vị. Người đứng đầu đơn vị phải được sự ủng hộ của tập thể, của cán bộ, nghệ sĩ trong đơn vị.

Một vấn đề cản trở sự phát triển của một số đơn vị nghệ thuật hiện nay, đó chính là định hướng của người chỉ đạo nghệ thuật sai hoặc lệch lạc. Ngại những kịch bản gai góc, đề cập trực diện tới những vấn đề nóng của xã hội, họ luôn lựa chọn những kịch bản an toàn để thuận lợi ngay từ khâu kiểm duyệt, chưa kể kịch bản và cách dàn dựng lại thiếu đi những yếu tố tạo nên tính hấp dẫn cho vở diễn như yếu tố giải trí, hiện thực xã hội nhạt nhoà… Tất cả những yếu tốđó khiến người xem không thoả mãn và ngày càng lạnh nhạt với sân khấu.

Nhạc sĩ, NSƯT Bùi Đức Hạnh cho rằng cần phải đặt ra một số câu hỏi để tự giải đáp xem cần phải giải quyết cho nghệthuật Chèo những vấn đề gì? Có nhất thiết tỉnh nào ở miền Bắc cũng phải có một đơn vị chèo, một nhà hát chèo? Có hiện tượng Chèo truyền thống đang bị thương mại hóa bằng mọi giá để phục vụ khán giả thì việc bảo tồn và phát huy di sản ở đâu? Nhà nước đã đề cập đến việc xã hội hóa các đoàn nghệ thuật từ lâu sao đến hôm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì ? Liệu các đơn vị chèo có thể chấm dứt được những chuỗi ngày sống lay lắt, tay vẫn phải khư khư ôm lấy “bầu sữa bao cấp” mà lòng thì đau đáu xót xa về số phận chèo?

NSƯT Trương Hải Thọ, Trưởng đoàn Chèo Thanh Hoá bày tỏ: “Việc tập hợp tất cả các đơn vị theo kiểu thành lập nhà hát tổng hợp không giải quyết được vấn đề gì về vấn đề xã hội hoá. Người lãnh đạo nhà hát hay lãnh đạo đoàn không những chỉ làm công tác quản lý mà còn phải kiêm cả chỉ đạo nghệ thuật, thế nhưng việc không am hiểu được tất cả các loại hình nghệ thuật trong một đơn vị đã khiến tới sự thiên lệch, không tập trung phát huy được ưu thếcủa từng loại hình. Chính vì vậy mới dẫn tới việc một số địa phương cho sáp nhập các đơn vị nghệ thuật nhưng kết quả chất lượng nghệ thuật không tinh mà nội bộ thì lại mất đoàn kết”.

Một chuyện nữa là, ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ mà không ít những vị lãnh đạo của nhiều đoàn nghệ thuật địa phương khi hỏi tới email điện tử thì không có và cũng không biết cách sử dụng mạng internet ra sao. Một số ý kiến cho biết, tư duy lạc hậu cũng như không trau dồi các kiến thức về quản lý, tổ chức biểu diễn của một số lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động chuyên môn cũng như tổ chức biểu diễn của các đơn vị giậm chân tại chỗ, thiếu những tư tưởng mới hiện đại để đổi mới nghệ thuật. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều đoàn địa phương chỉ loanh quanh hoạt động trên địa bàn của địa phương, thậm chí ngay tại địa phương cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến việc vươn phạm vi hoạt động biểu diễn ra khắp trong Nam ngoài Bắc và quốc tế như Sao Biển?

Đăng nhận xét